Tấn công DOS, DDOS là gì? Những kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS tốt nhất hiện nay

Tấn công DOS, DDOS là gì? Những kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS tốt nhất hiện nay
17 Tháng M. một, 2022 Tác giả: Lượt xem: 126

Hiện nay, hệ thống mạng máy tính và Internet toàn cầu đã phát triển vượt bậc và tạo ra được nguồn tài nguyên vô tận cho người dùng. Có thể nói hệ thống này cũng được xem như là tài sản của nhà cung cấp dịch vụ và người dùng Internet. Chính vì lẽ đó, nó dễ dàng là mục tiêu cho kẻ gian tấn công phá hoại vì cạnh tranh không lành mạnh hoặc vì nhiều mục đích xấu khác. Tấn công DOS và DDOS là một trong số đó. Vậy thì tấn công DOS, DDOS là gì và đâu là những kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS tốt nhất hiện nay. Bạn hãy cùng với Viettel IDC tìm hiểu trong bài viết này nhé.

 

Tấn công DOS là gì?

Để phân tích các kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS trước tiên bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tấn công DOS là gì nhé.

 

DOS là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Denial of Service dịch nôm na là từ chối dịch vụ. Tấn công DOS là những cuộc tấn công với mục đích làm sập 1 máy chủ hoặc mạng máy tính nào đó nhằm làm cho người dùng khác không thể truy cập vào máy chủ/mạng đó. Kẻ tấn công làm việc này bằng cách gửi thông tin kích hoạt sự cố đến máy chủ/mạng hoặc tạo ồ ạt traffic để làm tắc nghẽn dịch vụ khiến cho những người dùng hợp pháp không thể truy cập được dịch vụ hoặc tài nguyên mà họ mong đợi.

 

Máy chủ web của các tổ chức lớn như ngân hàng, công ty truyền thông, mạng xã hội, các trang báo chí…thường là nạn nhân của các cuộc tấn công này. Lấy ví dụ đơn giản như việc bạn truy cập website bằng cách nhập URL vào trình duyệt. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đang gửi yêu cầu tới máy chủ của website đó để xem nó. Tuy nhiên nguồn tài nguyên của máy chủ là có giới hạn. Vì thế kẻ xấu lợi dụng điểm yếu này tấn công hoặc gửi rất nhiều yêu cầu đến máy chủ làm cho nó bị quá tải nên không thể tiếp nhận hoặc xử lý yêu cầu của bạn được. Đây được xem là 1 kiểu tấn công từ chối dịch vụ vì nó khiến cho bạn không thể truy cập được vào website mình cần.

 

Tương tự đối với hệ thống email cũng vậy, kẻ tấn công có thể lợi dụng sơ hở để gửi hàng loạt email rác đến tài khoản email của bạn. Và bởi vì các tài khoản email công ty hoặc email miễn phí như Gmail đều có giới hạn lưu trữ dữ liệu nên hành động đó khiến cho hòm thư của bạn đầy lên nhanh chóng và không thể nhận được thư từ các email khác nữa.

Tấn công DDOS là gì?

Việc hiểu được tấn công DDOS là gì cũng không kém phần quan trọng trước khi phân tích các kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS trong phần tiếp theo. DDOS là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Distributed Denial of Service hiểu nôm na là từ chối dịch vụ phân tán. Với loại tấn công này, tin tặc thường làm tràn ngập traffic đến 1 dịch vụ trực tuyến từ nhiều nguồn khác nhau nhằm mục đích làm tắc nghẽn hệ thống và làm sập nó.

 

Kẻ tấn công lợi dụng những lỗ hổng về bảo mật để giành quyền điều khiển máy tính của người dùng. Sau đó chúng dùng máy tính này để gửi vô số dữ liệu đến một website hoặc là gửi hàng loạt thư rác đến 1 địa chỉ email nào đó. Bởi vì chúng chiếm quyền kiểm soát máy tính của nhiều người dùng khác nhau để thực hiện tấn công nên mới được gọi là tấn công phân tán. Kiểu tấn công này khó đối phó hơn rất nhiều so với kiểu tấn công DOS đã đề cập ở phần trên.

 

Khác nhau cơ bản giữa DOS và DDOS

  1. Tấn công DOS chỉ sử dụng 1 hệ thống để nhắm mục tiêu vào hệ thống của nạn nhân trong khi tấn công DDOS lại sử dụng nhiều hệ thống để nhắm mục tiêu vào hệ thống của nạn nhân.
  2. Hệ thống bị nhắm mục tiêu của DOS được load từ gói dữ liệu gửi từ 1 vị trí duy nhất còn đối với DDOS thì hệ thống bị nhắm mục tiêu lại được load từ gói dữ liệu gửi từ nhiều vị trí khác nhau.
  3. Về tốc độ thì tấn công DOS chậm hơn nhiều so với tấn công DDOS.
  4. Tấn công DOS có thể được chặn dễ dàng hơn rất nhiều so với tấn công DDOS.
  5. Các cuộc tấn công DOS thường dễ theo dõi hơn nhiều so với các cuộc tấn công DDOS.
  6. Lưu lượng truy cập trong các cuộc tấn công DOS thường ít hơn nhiều so với các cuộc tấn công DDOS.
  7. DOS tập trung vào các loại tấn công như: tràn bộ đệm, tấn công Ping of Death hoặc ICMP flood, tấn công Teardrop Attack. Trong khi đó DDOS lại tập trung vào các loại tấn công như: Tấn công băng thông, tấn công Fragmentation Attack (phân mảnh dữ liệu) hoặc Application Layer Attack (khai thác lỗ hổng trong các ứng dụng).

Tác hại của tấn công DOS và tấn công DDOS

Cho dù là tấn công DOS hay là tấn công DDOS thì cũng gây ra nhiều hậu quả và thiệt hại nặng nề được kể đến cơ bản như sau:

1. Làm sập hệ thống máy chủ khiến cho người dùng không thể truy cập được

2. Hệ thống sở hữu máy chủ của doanh nghiệp bị sập đồng nghĩa với việc bị mất doanh thu và chi phí bỏ ra để khắc phục sự cố.

3. Làm gián đoạn công việc, giảm đáng kể hiệu suất làm việc vì mọi công việc yêu cầu mạng đều không thể thực hiện được.

4. Danh tiếng của công ty sẽ bị ảnh hưởng nếu người dùng truy cập website đã bị đánh sập. Thậm chí người dùng rất có thể sẽ rời đi và sử dụng 1 dịch vụ khác thay thế nếu như sự cố không được khắc phục kịp thời.

5. Các cuộc tấn công DOS, DDOS kỹ thuật cao có thể đánh cắp tiền bạc và dữ liệu khách hàng của công ty.

Kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS

Để không trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mà tin tặc lợi dụng máy tính của bạn để đi tấn công máy tính khác, bạn cần phải cài đặt và sử dụng phần mềm chống virus thường xuyên. Nếu có thể hãy cài đặt tường lửa và cấu hình nó để giới hạn lưu lượng đi và đến từ máy tính của mình. Ngoài ra bạn cũng nên dùng các bộ lọc email để giúp mình quản lý lưu lượng truy cập không mong muốn.

 

Thông thường các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) thường có bảo vệ DOS, DDOS ở các lớp 3 và 4 (lưu lượng mạng) và thường bỏ qua lớp 7, đồng thời các lớp được bảo vệ cũng không đồng đều nên cần kiểm tra kỹ lưỡng và khắc phục những nhược điểm này nếu bạn đang vận hành 1 hệ thống data center.

 

Các công ty sử dụng kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS bằng chính cơ sở hạ tầng hiện có của mình. Họ thực hiện việc này thông qua cân bằng tải (load balancer) hoặc sử dụng mạng phân phối nội dung (CDN) hoặc cũng có thể là sử dụng cả 2. Nếu chỉ là các trang web hoặc dịch vụ nhỏ hơn và không có khả năng thuê 1 loạt dịch vụ của máy chủ thì người dùng có thể thuê các dịch vụ có các kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS của bên thứ 3.

 

Trên thị trường, các nhà cung cấp dịch vụ chống DOS, DDOS luôn sẵn sàng các kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS. Khi thuê dịch vụ bảo vệ của họ, họ sẽ dùng các kỹ thuật như định tuyến lại lưu lượng truy cập đến của bạn thông qua hệ thống riêng của họ và tiến hành “cọ rửa” nó để chống lại các phương thức tấn công DOS, DDOS. Họ sẽ liên tục quét các lưu lượng truy cập đáng nghi từ các nguồn hoặc từ các geolocation không phổ biến. Ngoài ra họ còn có khả năng định tuyến lại lưu lượng truy cập hợp pháp của bạn khỏi các nguồn botnet.

Sử dụng tường lửa và hệ thống bảo vệ xâm nhập (Intrusion Protection Systems - IPS) cũng là 1 trong những kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS khá phổ biến. Hầu hết chúng đều có. Hầu hết trong số chúng đều có khả năng quét tất cả lưu lượng truy cập đến hệ thống hoặc phần mềm được phân phối ở cấp máy chủ để hạn chế các cuộc tấn công DOS, DDOS.

 

Ngoài ra trên thị trường hiện nay cũng có rất nhiều ứng dụng chống DOS, DDOS chuyên dụng để chống lại các cuộc tấn công chủ yếu là vào lớp 7.

 

Bạn cũng nên tập thói quen quét mạng thường xuyên và theo dõi lưu lượng truy cập thường xuyên để có thể nắm bắt được nguy cơ của một cuộc tấn công DOS, DDOS sớm. Từ đó đưa ra những giải pháp để giảm thiểu thiệt hại kịp thời nhất.

 

Nếu bạn đang sở hữu một hệ thống bảo vệ DOS, DDOS tại chỗ, việc đầu tiên là phải xác định được ứng dụng nào quan trọng và có thể có những phương thức tấn công nào khả thi nhất. Đồng thời phải theo dõi cổng nào đang mở, băng thông nào đang có sẵn, nếu bị nghẽn mạng thì khả năng xảy ra ở đâu? Cuối cùng cần xác định hệ thống nào quan trọng và dễ bị tấn công nhất để đưa ra những phương án bảo vệ bổ sung kịp thời.

 

Dựa trên sự phụ thuộc vào hệ thống khác trong cơ sở hạ tầng của bạn, bạn nên lưu ý đến các khu vực dễ bị tổn thương của mình. Ví dụ như đối với các ứng dụng quá tải thì bạn có thể gỡ bỏ chức năng của chúng trên cơ sở dữ liệu trung tâm của mình trong trường hợp nó bị quá tải.

Ngoài ra thì hiện nay cũng xuất hiện nhiều công cụ phần mềm mã nguồn mở sử dụng các kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS đồng thời đưa ra các tùy chọn phần cứng có thể đạt đến mức lưu lượng đa gigabit. Tuy nhiên việc tùy chọn phần cứng là 1 giải pháp khá tốn kém nên tốt hơn bạn nên thử nghiệm các dịch vụ hạn chế tấn công DOS, DDOS của các công ty bảo mật mũ trắng chuyên nghiệp và lựa chọn sử dụng khi cần thiết.

 

Tóm lại nếu như bạn hiểu rõ tấn công DOS là gì, tấn công DDOS là gì và nắm bắt được kỹ càng những kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS thì chắc chắn bạn sẽ có thể đưa ra được những biện pháp bảo vệ cũng như giải pháp xử lý tốt nhất và nhanh nhất cho hệ thống của mình.Từ đó giảm thiểu đáng kể những thiệt hại mà chúng có thể gây ra cho cá nhân, doanh nghiệp hoặc hệ thống của mình.

 

Hy vọng bài viết này cung cấp được những kiến thức bổ ích về DOS, DDOS và những kỹ thuật hạn chế tấn công DOS, DDOS cần thiết cho bạn. Đồng thời bạn cũng có thể áp dụng ngay những kiến thức này vào thực tế công việc hiện tại của mình hoặc lưu lại kiến thức cần thiết để áp dụng nếu gặp phải sự cố này trong tương lai. Xin cảm ơn và chúc bạn thành công.

 

Để tìm hiểu thêm về các dịch vụ bảo mật tại Viettel-IDC như: Cloud Server, Data Center, SOC, Pentest, WAF, Cloud Firewall.  Vui lòng liên hệ đến Viettel-IDC:

- Hotline: 036.965.7724 

- Website: https://viettel-idc.com.vn

Viettel-IDC – Nhà cung cấp dẫn đầu về giải pháp Trung tâm dữ liệu và Điện toán đám mây tại Việt Nam.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Nhắn Zalo
Nhắn Zalo
Nhận ưu đãi
(+84) 36 965 7724
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây